“Đừng nghỉ ngơi quá sớm” là lời khuyên của các chuyên gia về sức khỏe dành cho người cao tuổi. Điều này dường như mâu thuẫn với suy nghĩ của không ít người già và cả con cháu của họ “cả đời vất vả rồi, giờ là lúc nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng”, “thích ăn gì thì ăn, thích chơi đâu thì chơi”. Đó là tâm lý muốn tận hưởng một cuộc sống hưởng thụ nhưng lại có phần thụ động, ít vận động về thể chất và trí não. Điều này thực chất rất có hại cho sức khỏe của người già.
Tại sao người cao tuổi không nên nghỉ ngơi?
Lão hóa là quá trình phát triển tất yếu của cơ thể. Nó xảy ra liên tục và khiến các chức năng của cơ thể con người suy giảm dần theo thời gian. Tất nhiên, quá trình lão hóa diễn ra không giống nhau ở tất cả mọi người. Điều này lý giải tại sao, có nhiều người vẫn được nhận xét là “trẻ hơn so với tuổi”.
Từ 60 tuổi trở đi, quá trình lão hóa ở người cao tuổi bắt đầu trở nên rõ nét với các dấu hiệu sau:
- Cơ bắp và khối lượng xương teo lại, yếu đi, khả năng loãng xương, thoái hóa xương… xuất hiện.
- Quá trình trao đổi chất chậm lại, khiến mỡ nhiều lên, cơ thể trở nên béo phì.
- Mọi hoạt động trở nên kém linh hoạt, di chuyển chậm chạp.
- Khả năng ghi nhớ, đọc hiểu giảm dần.
- Các cơ quan giác quan như cảm giác, thính giác và thị giác kém dần theo tuổi tác.
- Xuất hiện nhiều bệnh lý liên quan đến tuổi tác như huyết áp cao, tim mạch, phổi kém, tiêu hóa kém, gan yếu, đột quỵ…
Lão hóa diễn ra theo quy luật của tự nhiên và không có cách gì ngăn cản được. Vì vậy, nếu tuổi già chọn lối sống không vận động, chỉ thích nghỉ ngơi, thì ngoài các vấn đề về lão hóa như trên, bệnh tật sẽ xuất hiện như một lẽ tất yếu.
Trên thế giới, rất nhiều người cao tuổi vẫn chọn cách tiếp tục làm việc ngay cả sau khi đã nghỉ hưu. Tại nhiều quốc gia châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc)… không khó bắt gặp hình ảnh những người già 60-70 tuổi vẫn chăm chỉ làm việc tại các nhà hàng, quán ăn, các trung tâm thương mại… Đây không đơn giản là câu chuyện kiếm thêm thu nhập ở những quốc gia vốn nổi tiếng đắt đỏ, mà đó còn là một thứ văn hóa trong đời sống xã hội của họ. Và phải chăng, đây cũng là một trong những lý do giải thích cho tuổi thọ của người cao tuổi ở các nước này, điển hình là Nhật Bản, luôn nằm trong top các nước có tuổi thọ cao nhất thế giới?
Các nghiên cứu đều cho thấy rằng, một trong những bí quyết khiến người Nhật sống trường thọ là do họ luôn chọn một cuộc sống vận động tích cực. Thường xuyên tập các bài tập thể dục dưỡng sinh, làm việc miệt mài trên đồng ruộng, hay vườn tược, đi bộ nhiều, duy trì sở thích leo núi… Họ luôn cố gắng vận động càng nhiều càng tốt và không phân biệt việc nặng, việc nhẹ, miễn là được vận động.
Tác dụng của vận động đối với sức khỏe người cao tuổi
- Cải thiện sức khỏe tinh thần
Theo Viện Y tế Quốc gia (Mỹ), những người cao tuổi vận động thường xuyên không chỉ khỏe mạnh hơn những người ít vận động, mà họ còn có sức khỏe trí não tốt hơn. Một số nghiên cứu cũng tiết lộ rằng tập thể dục thường xuyên giúp người già tăng cường khả năng nhận thức, ví dụ như trí nhớ, phản ứng nhanh của não bộ, thậm chí cả khả năng tư duy chiến lược. Việc vận động thường xuyên sẽ kích thích cơ thể sản xuất các loại hormone khiến tinh thần họ trở nên phấn chấn, tạo sự hưng phấn, ngủ ngon hơn, hạn chế lo âu, trầm cảm.
- Ổn định sức khỏe tim mạch
Vận động đều đặn cải thiện sức khỏe tim mạch của người cao tuổi một cách tích cực. Bất kỳ hoạt động thể chất nào đều giúp họ ổn định huyết áp, kiểm soát cân nặng, ngăn chặn hoặc làm chậm sự phát triển của bệnh đái tháo đường lên đến hơn 50% và các biến chứng tim mạch do đái tháo đường gây ra.
- Kiểm soát cân nặng
Đối với người già đang phải chịu đựng những cơn đau đớn ở khớp hay gặp khó khăn trong chuyện vận động hàng ngày, việc kiểm soát cân nặng là điều cực kỳ cần thiết. Tình trạng béo phì, thừa cân sẽ gia tăng áp lực lên các khớp vốn đã bị quá tải vì bệnh tật, khiến việc đi lại trở nên khó khăn hơn. Béo phì, thừa cân cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và bệnh đái tháo đường.
- Cải thiện sức khỏe cơ xương khớp
Vận động thường xuyên giúp duy trì, cải thiện sức khỏe và ngăn ngừa nhiều bệnh lý nguy hiểm ở người cao tuổi như teo cơ, loãng xương, thoái hóa khớp… ngăn ngừa khả năng bị ngã. Khuyến khích người cao tuổi trong gia đình giữ gìn sức khỏe, đồng thời tích cực tham gia các hình thức tập luyện là cách con cháu chăm sóc người già tốt nhất, có tính hiệu quả lâu dài nhất.
- Tăng cường sự linh hoạt của cơ thể
Không phải cứ vận động nặng người già mới đạt được hiệu quả trong quá trình rèn luyện sức khỏe. Các bài tập kéo giãn nhẹ nhàng hay các bài tập yoga đều giúp cơ thể chuyển động linh hoạt hơn, khả năng vận động cũng tốt hơn. Tính linh hoạt ở đây còn được hiểu là khả năng độc lập của người cao tuổi trong cuộc sống sinh hoạt thường ngày, bao gồm những việc như tự vệ sinh cá nhân, tự chăm sóc bản thân hay những việc rất nhỏ như tự buộc dây giày, với lấy các vật dụng trên kệ cao…
- Tuổi già độc lập, năng động
Khi khả năng vận động của người cao tuổi được cải thiện, đồng nghĩa với khả năng tự chăm sóc và độc lập của họ cũng tăng lên đáng kể. Lúc này, người cao tuổi có thể tự đứng dậy, tự nấu ăn, tự vệ sinh cá nhân và tự mặc quần áo cho mình. Đó là cách người già đang sống một cuộc sống độc lập, không phụ thuộc vào bất cứ ai.
- Tăng cơ hội giao tiếp xã hội
Thay vì tập luyện một mình, người cao tuổi nên tham gia vào các nhóm tập thể dục. Đây là cơ hội rất tốt để họ có thêm các cơ hội giao tiếp xã hội. Thiếu tương tác xã hội dễ dẫn đến trầm cảm và các vấn đề về sức khỏe tâm thần khác ở người cao tuổi. Các nhóm sinh hoạt cộng đồng như các câu lạc bộ dưỡng sinh, câu lạc bộ múa kiếm, câu lạc bộ văn nghệ… không chỉ mang đến cho người cao tuổi cơ hội giao lưu với mọi người, cơ hội được vận động mà còn giúp họ tận hưởng một cuộc sống năng động, vui vẻ.
Những hình thức vận động nào phù hợp với người cao tuổi?
- Vận động thể chất
Theo các chuyên gia của Phòng khám Phục hồi chức năng Polaris, người cao tuổi nên coi vận động như một nhu cầu thiết yếu của cơ thể, giống như việc ăn uống hàng ngày. Tuy nhiên, để tránh bỏ cuộc giữa chừng, khi tập luyện, người già cần phải xác định rõ mục đích cụ thể trong từng giai đoạn. Kinh nghiệm của những người đi trước là không nên đặt ra các mục tiêu xa vời, bởi đến khi triển khai thực tế, sẽ dễ nản, dễ chán, dẫn đến mất tự tin. Các mục tiêu nên ngắn hạn và nên dựa vào tình trạng sức khỏe của người cao tuổi, những ưu điểm, nhược điểm về thể lực để quyết định hình thức vận động phù hợp nhất.
Sau đây là một số bộ môn mà người cao tuổi có thể tham gia rèn luyện:
- Tập dưỡng sinh
- Bơi lội
- Đi bộ
- Tập yoga
- Tập gym…
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo người trên 65 tuổi nên tập thể dục với cường độ vừa phải ít nhất 150 phút/tuần.
- Rèn luyện trí não
Từ 60 tuổi trở lên, nguy cơ người cao tuổi bị sa sút trí tuệ sẽ tăng lên gấp đôi cứ mỗi 5 năm tuổi thọ. Các nghiên cứu cho thấy duy trì hoạt động của não bộ cùng với việc rèn luyện thể chất và một chế độ dinh dưỡng lành mạnh có thể dự phòng được nguy cơ này. Cũng giống như tập luyện thể lực, người cao tuổi càng tập luyện cho não sớm thì càng tốt. Điều này giúp cải thiện tình trạng sa sút trí tuệ hoặc làm chậm lại quá trình này.
Có nhiều cách để tập luyện cho trí óc của người cao tuổi bằng các trò chơi như chơi cờ vua, cờ tướng, giải ô chữ, ghép hình… hoặc các trò chơi online trên máy tính hoặc điện thoại. Tham gia một hoạt động ngoại khóa, hay một lớp học nào đó (ví dụ như học đan, học móc, học chơi nhạc cụ, học ngoại ngữ…), thường xuyên đọc sách báo, viết lách… cũng là một cách hiệu quả để rèn luyện trí nhớ và độ nhanh nhạy của trí não. Một số chuyên gia cũng khuyên người già nên viết tay hơn là dùng bàn phím vì khi viết tay, nhiều cơ được kích hoạt hơn. Rèn luyện trí nhớ cũng có thể bằng các cách như học thuộc một bài hát mới, một bài thơ mới, tự tìm đường đi mua sắm, đi du lịch…
Người già có xu hướng hoạt động thể chất ít đi so với thời còn thanh niên. Tuy nhiên, người già không nên coi tuổi tác là một thứ rào cản để vận động nhiều hơn. Chỉ có vận động mới giúp người cao tuổi chống lại quá trình lão hóa một cách hiệu quả. Rèn luyện thể chất và trí tuệ một cách thường xuyên, đúng cách, phù hợp với thể trạng là cách người già giữ được sự cân bằng về tâm trí lực, sống lạc quan, yêu đời.
Để được tư vấn chi tiết về các phương pháp rèn luyện sức khỏe cho người cao tuổi, khách hàng có thể bấm số hotline 0832 400 600 hoặc đến trực tiếp địa chỉ tầng 9, số 154 Nguyễn Thái Học, Hà Nội để được gặp bác sĩ của Phòng khám Phục hồi chức năng Polaris.
—–
TRUNG TÂM VẬT LÝ TRỊ LIỆU VÀ PHỤC HỒI CHỨC NĂNG REMEDY R&C
☎ Hotline: 0832400600
🌐Website: https://remedy.com.vn
🏥 Address: Tầng 9, 154 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội
𝐂𝐨𝐩𝐲𝐫𝐢𝐠𝐡𝐭 © 𝐛𝐲 𝐑𝐞𝐦𝐞𝐝𝐲