Thoái hóa khớp háng là hệ quả của tuổi già, liên quan đến tình trạng lớp sụn khớp bị bào mòn theo thời gian. Bệnh lý này là mối nguy hiểm khôn lường, có thể gây tàn tật vĩnh viễn nếu người bệnh chủ quan, chậm trễ trong việc điều trị. Vậy khớp háng bị thoái hóa nguyên nhân do đâu? Giải pháp chữa trị hiệu quả nhất cho căn bệnh này là gì? Hãy cùng tìm kiếm câu trả lời qua bài viết sau.
Bệnh thoái hóa khớp háng là bệnh gì?
Khớp háng được cấu tạo từ một chỏm xương đùi hình cầu và một ổ chảo từ xương đùi, khung chậu. Hai bộ phận này được viền lớp sụn bao bọc và che phủ, giúp giảm cọ xát khi vận động.
Thoái hóa khớp háng là tình trạng lớp sụn khớp ở hai đầu khớp háng bị bào mòn theo thời gian, khiến hai đầu xương nhanh chóng cọ xát vào nhau khi cử động. Lúc này, người mắc bệnh phải chịu đựng các cơn đau nhức hành hạ, ảnh hưởng đến sinh hoạt và công việc thường ngày.
Thoái hóa khớp háng gồm hai thể bệnh:
- Thể nguyên phát: Chủ yếu gặp ở người cao tuổi (trên 60 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất).
- Thể thứ phát: Xuất hiện sau chấn thương (trật khớp háng, gãy cổ xương đùi, vỡ ổ cối), hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi, nhiễm trùng huyết hoặc viêm khớp dạng thấp.
Nguyên nhân gây ra căn bệnh này
Theo lương y Đỗ Minh Tuấn – GĐ chuyên môn nhà thuốc Đỗ Minh Đường, Cố vấn y khoa VTV2, có nhiều nguyên nhân dẫn tới bệnh thoái hóa khớp háng, bao gồm:
- Quá trình lão hóa tự nhiên: Theo thời gian, sụn và xương dưới sụn dần suy yếu, dịch nhầy cũng giảm dần. Do đó có tới 50% người mắc bệnh này trên 60 tuổi.
- Bẩm sinh: Cấu tạo xương khớp bất thường ở khớp háng hoặc chân.
- Chấn thương: Những chấn thương gặp phải do chơi thể thao, tai nạn lao động, sinh hoạt hàng ngày có thể gây viêm thoái hóa khớp háng. Các chấn thương phổ biến là gãy xương hông, rách sụn chêm…
- Thường xuyên lao động nặng: Bê vác nặng, không đúng tư thế khiến khớp háng thường xuyên phải chịu áp lực lớn lâu dần dẫn tới tổn thương.
- Biến chứng của một số bệnh lý khác: Bệnh gút, viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp, tiểu đường, huyết sắc tố…
- Chế độ dinh dưỡng thiếu khoa học: Thực đơn không đủ cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của sụn khớp. Thêm vào đó, ăn nhiều thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn, nội tạng động vật, uống rượu bia cũng gây hại cho xương khớp.
Tùy theo từng nguyên nhân gây bệnh mà có thể có những phương pháp điều trị khác nhau. Do đó, người bệnh tốt hơn hết nên được bác sĩ thăm khám để chuẩn đoán chính xác nguyên nhân, từ đó lựa chọn phương pháp và lên phác đồ điều trị phù hợp.
Triệu chứng khớp háng thoái hóa biểu hiện thế nào?
Khớp háng là một trong những khớp phải chịu trọng lượng của cơ thể. Do đó, khi bộ phận này bị thoái hóa khiến chức năng suy giảm đáng kể, đau nhức khớp háng là triệu chứng không thể tránh khỏi.
Các cơn đau thường xuất hiện khi người bệnh đi lại hoặc co duỗi khớp, cụ thể hơn là thực hiện những động tác như ngồi xổm, xoay người, dạng háng, gập người… Tình trạng này kéo dài làm cho người bệnh ngại vận động, lâu ngày sẽ dẫn đến vấn đề khớp cứng lại và mất khả năng chuyển động hoàn toàn.
Mặt khác, tùy vào mức độ tiến triển của bệnh mà biểu hiện đau do viêm xương khớp háng có thể bộc lộ theo nhiều cách khác nhau, ví dụ như:
- Giai đoạn đầu: Bệnh nhân có xu hướng hay bị đau vùng bẹn. Dần dần, phạm vi đau nhức sẽ mở rộng xuống đùi, ra sau mông và thậm chí là đến khớp đầu gối. Cường độ đau sẽ trở nặng khi người bệnh vận động hoặc đứng quá lâu.
- Giai đoạn sau: Cơn đau dễ dàng xuất hiện nếu bệnh nhân đang ngồi đột ngột đứng dậy. Ngoài ra, tình trạng đau nhức chủ yếu xảy ra vào buổi sáng, đặc biệt sau khi thức dậy. Đồng thời, người bệnh cũng thường cảm thấy nhức mỏi ở háng khi về đêm, ảnh hưởng đến giấc ngủ.
- Giai đoạn muộn: Các cơn đau có thể xảy ra kể cả khi bệnh nhân đang nghỉ ngơi. Cường độ đau nhức tăng nhiều về đêm và những thời điểm thay đổi thời tiết đột ngột.
Căn bệnh này có nguy hiểm không?
Khớp háng được che bởi nhiều lớp mô cơ và dây chằng bên ngoài nên những thương tổn ở bộ phận này thường khó nhận biết, đồng thời dễ bị nhầm với tổn thương thắt lưng hoặc xương chậu. Điều này khiến bệnh nhân dễ chọn sai hướng điều trị, từ đó tạo điều kiện cho quá trình thoái hóa ở khớp háng tiếp tục tiến triển và kéo theo hàng loạt biến chứng nghiêm trọng như:
- Biến dạng khớp gây tàn phế
- Nứt, gãy xương hông
- Teo cơ và dây chằng ở khu vực xung quanh khớp háng
- Chất lượng giấc ngủ không tốt, dẫn đến sức khỏe tinh thần cũng suy giảm
- Dễ lo âu, trầm cảm
- Thừa cân, béo phì và những hệ lụy liên quan như tăng huyết áp, đái tháo đường…
Có thể thấy những hậu quả nặng nề của thoái hóa khớp háng là rất đáng lo ngại. Vì vậy, hãy chủ động điều trị sớm khi còn có thể để duy trì chức năng khớp, đảm bảo khả năng cử động, đi lại bình thường. Nhiều người thắc mắc bị thoái hóa khớp háng có chữa khỏi dứt điểm được không? Thực chất, thoái hóa khớp háng hoàn toàn có thể được cải thiện nhờ các biện pháp kiểm soát triệu chứng, ngăn biến chứng và phục hồi chức năng. Tuy nhiên để duy trì hiệu quả dài lâu bạn cần kết hợp với các phương pháp chăm sóc và giữ gìn kỹ lưỡng mỗi ngày.
Đối tượng nào dễ mắc bệnh nhất?
Khớp háng bị thoái hóa có khả năng xảy ra ở tất cả mọi người, nhưng thường gặp ở những đối tượng như:
- Người cao tuổi (trên 60 tuổi) là đối tượng nguy cơ cao do sự lão hóa tự nhiên của cơ thể.
- Người có tiền sử bị tai nạn, chấn thương ở khu vực khớp háng.
- Người có bệnh sử viêm khớp háng.
- Người bị dị tật bẩm sinh khớp háng.
- Di truyền trong gia đình có người bị thoái hóa khớp.
Thoái hóa khớp háng và cách điều trị hiệu quả
Cho đến nay, y học hiện đại vẫn chưa ghi nhận một biện pháp nào có thể chữa khỏi hoàn toàn chứng thoái hóa khớp háng. Thay vào đó, việc điều trị thường tập trung vào cải thiện triệu chứng, ngăn ngừa biến chứng và phục hồi khả năng vận động. Có rất nhiều phương pháp điều trị khác nhau, tùy theo mức độ nghiêm trọng của từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ tư vấn phác đồ điều trị phù hợp.
Dưới đây là một vài phương pháp điều trị thoái hóa khớp háng phổ biến:
- Mẹo cải thiện bệnh tại nhà
Nếu tình trạng thoái hóa khớp háng ở giai đoạn đầu, các biểu hiện diễn tiến chưa nghiêm trọng, người bệnh có thể tham khảo một số mẹo điều trị tại nhà dưới đây:
- Bài thuốc điều trị với lá lốt: Chuẩn bị một nắm lá lốt, rửa sạch, ngâm với nước muối loãng khoảng 10 phút và vớt ra để ráo nước. Thêm vào nồi cùng với một lượng nước vừa đủ, đun cô cạn còn khoảng ½ lượng nước thì tắt bếp. Uống khi còn ấm nóng và duy trì tối thiểu trong 10 ngày để thấy hiệu quả tốt nhất.
- Mẹo điều trị với ngải cứu – muối trắng: Chuẩn bị một nắm lá ngải cứu, rửa sạch và để ráo nước. Rang ngải cứu trên chảo với một nắm muối hạt to. Sau đó, cho toàn bộ hỗn hợp này vào khăn vải trắng, đắp lên vùng đau nhức khoảng 15-20 phút. Thực hiện công đoạn đảo nóng lặp lại 2-3 lần để tận dụng tối đa hiệu quả từ bài thuốc.
- Chữa thoái hóa khớp háng với nước đu đủ: Chuẩn bị ½ quả đu đủ xanh, mễ nhân tươi (khoảng 30g), rửa sạch, để ráo nước. Thái nhỏ đu đủ xanh, cho hai nguyên liệu vào nồi với một lượng nước vừa đủ, đun liu riu đến khi mễ nhân chín mềm. Thêm 1 thìa đường và sử dụng món ăn khi còn ấm nóng.
Mặc dù các mẹo điều trị tại nhà khá đơn giản, dễ thực hiện nhưng chỉ có tác dụng hỗ trợ giảm đau, không thể điều trị tận gốc căn nguyên của bệnh. Do đó trong trường hợp bệnh chuyển nặng hoặc muốn điều trị hiệu quả ngay từ đầu, người bệnh nên đến các cơ sở y tế để được bác sĩ chuẩn đoán chính xác nguyên nhân của bệnh, từ đó lên phác đồ điều trị phù hợp, tránh để bệnh chuyển biến nặng dẫn đến nguy cơ mất khả năng vận động và nhiều biến chứng nguy hiểm khác.
- Trị bệnh theo Tây y
Tây y sử dụng 2 phương pháp chủ yếu để điều trị khớp háng bị thoái hóa là dùng thuốc và phẫu thuật. Mỗi phương pháp đều có những ưu nhược điểm riêng.
- Sử dụng thuốc Tây
Một trong những yếu tố không thể thiếu khi chữa thoái hóa khớp háng là loại bỏ tình trạng đau nhức dai dẳng, khó chịu tại đây. Trong trường hợp này, người bệnh có thể tìm đến sự trợ giúp từ một số loại thuốc giảm đau, chẳng hạn như:
- Nhóm giảm đau: Paracetamol, Acetaminophen… cắt những cơn đau khớp háng đơn thuần.
- Nhóm kháng viêm không steroid: Aspirin, Ibuprofen, Indomethacin… vừa có tác dụng giảm đau, vừa chống viêm sưng tại khớp.
- Nhóm giãn cơ: Mydocalm, Myonal… chống co cứng, giúp việc co duỗi nhẹ nhàng, linh hoạt hơn.
Ngoài ra, người bệnh cũng có thể sử dụng thuốc giảm đau dưới dạng kem hoặc gel bôi ngoài da bên cạnh đường uống. Các loại thuốc giảm đau tại chỗ này được cho là ít đem lại tác dụng phụ hơn, ví dụ như đau dạ dày, so với thuốc dạng uống.
Tuy vậy, bệnh nhân khi dùng thuốc trị thoái hóa khớp cần lưu ý rằng thuốc giảm đau đường uống hay dạng bôi ngoài da đều chỉ có tác dụng giảm đau tạm thời chứ không thể chữa lành hoàn toàn tình trạng sức khỏe này. Bên cạnh đó, thuốc Tây y cũng tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ gây nguy hiểm cho người bệnh. Vì vậy, người bệnh không nên tự ý mua thuốc về dùng nếu không có sự hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ.
- Biện pháp phẫu thuật
Phẫu thuật là phương án cuối cùng người bệnh có thể lựa chọn nếu không đáp ứng tốt với các phác đồ điều trị trước đó hoặc khả năng vận động bị suy giảm đáng kể.
Các loại phẫu thuật thường được áp dụng để chữa thoái hóa khớp háng bao gồm:
- Cắt bỏ gai xương: hạn chế rủi ro biến dạng khớp hoặc chèn ép mạch máu và dây thần kinh.
- Thay khớp háng bán phần: thường dành cho trường hợp lớp sụn khớp ở chỏm xương đùi chỉ bị bào mòn một phần.
- Thay khớp háng toàn phần: bằng cách ghép khớp nhân tạo có chức năng tương tự khớp tự nhiên vào cơ thể, thường được chỉ định trong trường hợp người mắc bệnh trên 60 tuổi hoặc bệnh tiến triển tiêu cực, đi kèm với các triệu chứng có xu hướng ngày càng tệ hơn.
Mặc dù hiệu quả chữa trị của phẫu thuật rất cao nhưng thủ thuật này cũng kéo theo không ít rủi ro. Đặc biệt, với trường hợp thay khớp háng toàn phần, người bệnh có nguy cơ phải đối mặt với những vấn đề như nứt xương đùi, nhiễm trùng khớp háng, huyết khối tĩnh mạch sâu, lỏng hoặc trật khớp, tổn thương thần kinh xung quanh khớp háng,…
Cần lưu ý những gì khi điều trị khớp háng bị thoái hóa?
Thoái hóa khớp háng thường khó nhận biết và dễ khiến người bệnh chọn sai hướng điều trị. Do đó, dù áp dụng phương pháp điều trị nào người bệnh cũng nên có sự tư vấn của bác sĩ hay chuyên gia để đảm bảo điều trị đúng cách. Theo chia sẻ của lương y Đỗ Minh Tuấn, để đạt hiệu quả chữa bệnh cao nhất, người bệnh nên lưu ý một số vấn đề như sau:
- Tuân thủ tuyệt đối theo hướng dẫn của bác sĩ trong quá trình điều trị bệnh
- Không tự ý dùng thuốc hay các thực phẩm chức năng khác mà chưa có sự chỉ định của bác sĩ
- Thoái hóa khớp nên ăn gì và kiêng gì? Ăn nhiều rau xanh, hoa quả, hạn chế đồ dầu mỡ, đồ ăn nhanh,…. Có thể tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa về thực đơn cho người thoái hóa khớp phù hợp
- Kiểm soát cân nặng ở mức thích hợp hạn chế áp lực lên khớp háng
- Tăng cường vận động mỗi ngày, lựa chọn hình thức vận động phù hợp nhất với thể trạng của mình.
- Hạn chế bê vác nặng hoặc dùng lực đột ngột khi nâng đồ vật nặng
Bài viết trên đây đã cung cấp cho người đọc những thông tin cụ thể nhất về bệnh thoái hóa khớp háng. Việc điều trị thoái hóa khớp háng cần căn cứ vào nguyên nhân, mức độ nặng nhẹ. Vì vậy, khi có các triệu chứng đau nhức do thoái hóa khớp, người bệnh nên liên hệ với bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và hỗ trợ điều trị tốt nhất.
—–
TRUNG TÂM VẬT LÝ TRỊ LIỆU VÀ PHỤC HỒI CHỨC NĂNG REMEDY R&C
☎ Hotline: 0832400600
🌐Website: https://remedy.com.vn
🏥 Address: Tầng 9, 154 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội
𝐂𝐨𝐩𝐲𝐫𝐢𝐠𝐡𝐭 © 𝐛𝐲 𝐑𝐞𝐦𝐞𝐝𝐲