Golf là bộ môn thể thao thời thượng được khá nhiều người lựa chọn để nâng cao sức khỏe, thư giãn tinh thần. Tuy được xếp vào môn chơi cường độ thấp hơn các môn thể thao khác nhưng tỷ lệ người chơi golf gặp phải chấn thương khá cao. Golf đòi hỏi người chơi phải có thể lực tốt, sự tập trung cao độ cùng kỹ thuật chuẩn xác. Phần lớn cả người chơi nghiệp dư và chuyên nghiệp đều dễ gặp chấn thương khi tập luyện sai cách và quá sức. Nếu không điều trị, các chấn thương có thể phát triển thành bệnh mãn tính, gây ảnh hưởng đến chức năng hoạt động của các khớp và cơ.
Các chấn thương thường gặp khi chơi Golf
Sau đây là 9 chấn thương thường gặp mà người chơi golf nên chú ý.
- Đau lưng
Khi chơi golf, động tác vặn người quất bóng (cú swing) có thể gây ra áp lực lớn lên cột sống và cơ. Đồng thời, tư thế cong người khi chơi golf trong thời gian dài có thể gây co cứng cơ lưng, dẫn đến những chấn thương nghiêm trọng. Để hạn chế những chấn thương này, bạn nên tập luyện thêm các bài tập kéo giãn cơ và tăng cường độ dẻo dai của cơ lưng.
- Viêm gân ở khuỷu tay
Viêm gân ở khuỷu tay phổ biến ở người chơi golf. Hội chứng đau khuỷu tay golf xảy ra khi có tổn thương ở vùng gân bên trong. Các chấn thương này càng tăng khi người chơi thực hiện cú swing.
- Chớp xoay
Chớp xoay ở vai có thể bị chấn thương từ những áp lực lớn khi thực hiện cú swing, đánh trúng vật cản như rễ cây, hòn đá hoặc do tập luyện quá sức. Đồng thời, những động tác lặp đi lặp lại khi chơi golf có thể khiến người chơi bị viêm dây chằng, viêm túi thanh mạc hoặc bị rách cơ vai. Cơn đau ở vai càng tăng khi người chơi thực hiện cú swing hoặc giơ tay cao quá đầu.
- Đau cổ tay
Các chuyển động liên tục với tốc độ nhanh có thể khiển cổ tay bị chấn thương. Tình trạng phổ biến nhất mà người chơi golf thường gặp là viêm dây chằng, sưng gân.
- Đau đầu gối
Khi bắt đầu thực hiện cú swing thì đầu gối phải chịu lực căng lớn để giữ thăng bằng cho trục xoay của hông. Các lực cường độ mạnh tác động liên tục vào đầu gối lâu dần sẽ làm dây chằng bị tổn thương, rách, gây ra cơn đau dữ dội vùng khớp gối.
- Chấn thương bàn tay và ngón tay
Chuyển động với tốc độ nhanh và liên tiếp khi chơi golf sẽ gây ra tổn thương ở bàn tay và ngón tay. Thường gặp nhất là chứng viêm gân, gãy hoặc dị dạng xương ngón tay.
- Chấn thương cổ
Loại chấn thương này thường gặp nhất ở những người mới bắt đầu chơi golf, không quen với động tác xoay vặn người đột ngột. Sau vài giờ chơi golf, các cơ cổ có thể bị co thắt ngắn lại, làm cổ bị cứng và đau.
- Chấn thương bàn chân và mắt cá
Chấn thương ở bàn chân xuất hiện khi người chơi golf mất thăng bằng bàn chân, thực hiện cú swing sai kỹ thuật, đánh bóng trên bề mặt không bằng phẳng.
Bong gân, viêm gân mắt cá hoặc xương bàn chân, phồng rộp chân là những chấn thương thường gặp.
- Chấn thương hông
Cơ hông thường rất linh hoạt và có thể chịu đựng nhiều áp lực. Tuy nhiên, nó lại rất dễ bị chấn thương vì hàng lọat các chuyển động xoay vặn người khi chơi golf.
Khi thực hiện các động tác này, cơ hông bị phụ thuộc khá nhiều vào các tác động kéo, uốn cong, mở rộng và chúng lặp lại liên tiếp. Vì vậy, nó đòi hỏi cơ mông và cơ khép phải kết hợp xuyên suốt chặt chẽ. Chính những tác động xoay và trượt này sẽ khiến lưng dưới và khớp háng tổn thương.
Cách phòng ngừa chấn thương và cải thiện thành tích khi đánh golf
Hầu hết những chấn thương khi đánh golf ở vận động viên nghiệp dư hoặc chuyên nghiệp đều đến từ các cú đánh swing sai kỹ thuật, luyện tập quá sức và thiếu sức khỏe thể chất.
Để ngăn ngừa các chấn thương khi đánh gôn, người chơi cần hiểu và điều chỉnh những điểm yếu trong khu vực của bản thân bằng cách tìm kiếm lời khuyên của chuyên gia y học thể thao, bao gồm:
- Chú trọng việc khởi động: Trước khi bắt đầu đánh golf, đừng bỏ qua khởi động ít nhất 10 phút để làm nóng cơ thể và thực hiện các bài tập giãn cơ giúp cải thiện phạm vi chuyển động.
- Thực hiện cú swing đúng kỹ thuật: Tham gia các khóa học và hiểu được cơ chế xoay đằng sau những cú swing sẽ giúp người chơi ngăn ngừa chấn thương.
- Tránh quá đà: Hãy thư giãn và thực hiện một cú xoay người đẹp mắt với nhịp độ swing nhịp nhàng. Người chơi không nên vận động quá sức vì gây áp lực liên tục lên các khớp và cột sống.
- Chọn đúng gậy: Điều quan trọng là phải đảm bảo rằng gậy chơi gôn của bạn phù hợp với kích thước và sức mạnh của từng cá nhân. Ngoài ra, sử dụng kỹ thuật nâng đúng cách sẽ giúp bảo vệ vùng lưng và vai khi mang vác túi đựng gậy có trọng lượng nặng.
- Lựa chọn giày phù hợp: Việc lựa chọn một đôi giày phù hợp có thể giúp người chơi tránh chấn thương khi đánh golf và cải thiện kỹ thuật đánh bóng. Bên cạnh đó, đế chỉnh hình bàn chân cũng rất cần thiết để cải thiện sự cân bằng cho người chơi mắc phải tình trạng bàn chân bẹt.
—–
TRUNG TÂM VẬT LÝ TRỊ LIỆU VÀ PHỤC HỒI CHỨC NĂNG REMEDY R&C
☎ Hotline: 0832400600
🌐Website: https://remedy.com.vn
🏥 Address: Tầng 9, 154 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội
𝐂𝐨𝐩𝐲𝐫𝐢𝐠𝐡𝐭 © 𝐛𝐲 𝐑𝐞𝐦𝐞𝐝𝐲