Người già nằm liệt giường bên cạnh việc phải chịu đựng gánh nặng bệnh tật, nỗi đau về thể chất, còn phải đối diện với những biến chứng tồi tệ do việc nằm một chỗ lâu ngày gây ra. Tình trạng này khiến cả người bệnh lẫn người nhà bệnh nhân đều vô cùng mệt mỏi. Vậy những biến chứng nào có thể xảy ra đối với người nằm liệt? Chăm sóc người bị liệt cần chú ý điều gì để giảm thiểu những nguy cơ xảy ra đối với sức khỏe?
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng người già phải nằm liệt giường như di chứng đột quỵ, chấn thương cột sống, ngã gãy xương, bệnh bại liệt, bệnh của tuổi già… mất hoàn toàn khả năng vận động hoặc vận động rất hạn chế đều buộc người bệnh phải gắn chặt cuộc đời mình với chiếc giường. Mọi sinh hoạt cá nhân đều diễn ra tại giường và phải có người giúp đỡ, hỗ trợ. Đây là giai đoạn rất khó khăn đối với cả người bệnh và người nhà vì chăm sóc người liệt không hề dễ dàng. Người nhà phải có những hiểu biết nhất định về tình trạng bệnh của người đang nằm một chỗ, có kinh nghiệm chăm người bị liệt, hiểu biết về tâm lý người già… để tránh cho người bệnh bị biến chứng.
Những biến chứng thường gặp khi người bệnh bị liệt
- Viêm loét do tì đè
Người già nằm lâu rất dễ bị viêm loét ở những vùng tì đè như vùng xương cụt, xương gót chân, mắt cá chân hay ụ ngồi. Viêm loét cũng có thể xảy ra do khâu vệ sinh cá nhân cho người bệnh không kỹ. Ban đầu, vùng da hay tiếp xúc với mặt giường sẽ đỏ dần lên, sau đó xuất hiện những mụn nước hay như một vết phỏng ở vùng này. Nếu không được làm sạch cẩn thận, những mụn nước này sẽ vỡ ra, rồi dần đen lại khi bị hoại tử tổ chức phần mềm. Vết loét càng sâu, nguy cơ nhiễm trùng càng cao, làm người già thêm đau đớn. Chính vì vậy, cần chăm sóc người bệnh đúng cách và khoa học.
- Cứng khớp
Người già nằm bất động càng lâu, nguy cơ cứng khớp càng cao. Khi cơ thể nằm yên một chỗ lâu ngày, khớp bị bất động kéo dài làm cho các tổ chức phần mềm xung quanh khớp bị co cứng, sụn khớp bị mỏng đi, làm mất chức năng khớp. Người bệnh nằm bất động trên 3 tháng, tình trạng này càng dễ xảy ra. Cứng khớp hay xảy ra trong những trường hợp chấn thương khớp, gãy xương cạnh khớp, viêm khớp dạng thấp, bó bột, liệt chi do tổn thương thần kinh…
- Co cứng cơ
Tình trạng liệt là do người bệnh bị tổn thương thần kinh trung ương hoặc do một bệnh lý thần kinh trung ương nào đó gây ra. Liệt dẫn đến hạn chế vận động ở các khớp có liên quan, gây đau ở khối cơ lưng, khớp vai… lâu dần gây ra tình trạng co cứng cơ.
- Teo cơ
Teo cơ thường xảy ra ở những người cao tuổi bị gãy xương, phải bó bột nằm bất động tại chỗ. Sau khi tháo bột, chỗ tháo bột sẽ có hiện tượng cơ teo nhỏ và yếu đi. Thời gian bó bột bất động càng lâu thì hiện tượng teo cơ càng rõ. Sức mạnh cơ sẽ giảm từ 20-30% sau một tuần nằm trên giường bệnh. Trong khi đó, để hồi phục lại như bình thường sẽ mất rất nhiều thời gian.
- Biến chứng hô hấp
Người già đau ốm nằm lâu rất dễ bị viêm phổi, xẹp phổi, gây khó thở do ứ đọng đờm dãi. Điều này được giải thích như sau: khi cơ không hoạt động, cơ thể sẽ không bài tiết chất lỏng dư thừa ra bên ngoài được, mà có xu hướng tích tụ nhiều hơn trong phổi. Biến chứng này rất nguy hiểm vì có thể đe dọa tính mạng của người bệnh. Để phòng ngừa biến chứng này, cần lưu khi khi vệ sinh cá nhân cho người bệnh, đồng thời theo dõi sức khỏe sát sao để can thiệp kịp thời.
- Tiêu hóa và bài tiết
Viêm đường tiết niệu và sỏi đường tiết niệu rất dễ xảy ra ở những người nằm liệt lâu ngày. Bệnh nặng còn gây ra viêm bể thận ngược dòng dẫn đến suy thận, nhiễm trùng máu. Người bệnh cũng hay bị táo bón do tình trạng nằm nhiều, không vận động, uống ít nước, ruột hoạt động ít nên không thể tống hết chất thải ra ngoài. Tiểu tiện cũng gặp khó khi bàng quang khó tống hết nước tiểu ra ngoài, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.
- Loãng xương
Mỗi tuần nằm liệt giường, người cao tuổi sẽ mất 1,54g canxi. Sau 36 tuần, mất khoảng 24 – 40% khối lượng xương cơ thể. Liệt giường gây loãng xương một cách âm thầm và không có triệu chứng rõ ràng. Người bệnh không cảm thấy khó chịu, đôi khi thấy nhức, mỏi không cố định dọc các chi và ở các đầu xương… loãng xương thường đi kèm với bệnh thoái hóa khớp. Loãng xương làm quá trình thoái hóa khớp nặng thêm, và ngược lại, quá trình thoái hóa khớp cũng làm cho bệnh loãng xương nặng hơn.
- Ảnh hưởng tinh thần
Bên cạnh các vấn đề thể chất, nằm liệt giường lâu ngày còn gây nên những tác động tâm lý xấu đến người bệnh. Nằm một chỗ quá lâu kết hợp với những căng thẳng, lo lắng do bệnh tật gây ra, người già dễ rơi vào chán nản, muốn buông xuôi. Điều này làm tăng rủi ro, nguy cơ mắc các bệnh về tâm thần như trầm cảm, rối loạn giấc ngủ… nhiều trường hợp bệnh nhân có tâm lý tự ti, mặc cảm vì giờ trở thành gánh nặng của con cháu, bị phụ thuộc mọi mặt vào người khác. Do đó, bên cạnh sự chăm sóc, điều trị của bác sĩ, nhân viên y tế, người thân cần động viên, chăm sóc bệnh nhân tích cực về mặt tình cảm, có vậy mới giúp người bệnh nhanh chóng hồi phục.
Những lưu ý khi chăm sóc người già nằm liệt một chỗ
Đối với người nằm liệt giường, để tránh những biến chứng tồi tệ có thể xảy ra, người thân cần phải giúp họ vận động càng nhiều càng tốt. Tùy theo khả năng vận động của bệnh nhân, có thể để người bệnh tự tập hoặc hỗ trợ người bệnh xoa bóp, vận động.
Đối với bệnh nhân nằm liệt do tổn thương thần kinh không thể tự vận động được, người nhà hoặc nhân viên y tế cần xoa bóp chân tay, lưng, trán mỗi ngày cho người bệnh để máu huyết lưu thông, tập gập duỗi hết tầm vận động các khớp. Người nhà phải nâng người bệnh dậy mỗi ngày, lăn trở thường xuyên cứ mỗi 1-2 giờ, để tránh bị tì đè gây viêm loét. Nếu chẳng may bị loét, cần chăm sóc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, y tá hoặc người có chuyên môn.
Đối với bệnh nhân vẫn có thể vận động được, người nhà hoặc nhân viên y tế cho người bệnh nằm trên giường hoặc ngồi trên xe lăn, tự xoa bóp, trở mình, tự tập tay chân và tập thở.
Cần chú ý đến vấn đề vệ sinh răng miệng mỗi ngày cho người bệnh. Mục đích là kiểm soát và ngăn ngừa đờm dãi ứ đọng gây biến chứng hô hấp.
Kết luận
Người già nằm liệt giường một chỗ là điều không ai mong muốn. Nhưng khi phải đối diện với tình trạng này, cần phải bình tĩnh xử lý từng vấn đề một, đảm bảo sức khỏe bệnh nhân dần ổn định và không gặp phải biến chứng. Điều quan trọng nhất là người nhà phải nhận thức đúng về tầm quan trọng của vận động và vận động sớm ở người bệnh.
Tại phòng khám phục hồi chức năng Polaris, đối tượng bệnh nhân là những người già đang gặp khó khăn về vận động do di chứng sau đột quỵ, do bị gãy xương, hay sau phẫu thuật… sẽ được thăm khám, tầm soát, và chẩn đoán về mức độ tổn thương ở hệ thần kinh và hệ cơ xương khớp. Các bác sĩ sẽ làm việc trực tiếp với người nhà và bệnh nhân để tìm hiểu về điều kiện sống, mục tiêu mong muốn của khách hàng để từ đó đưa ra kế hoạch cải thiện sức khỏe cụ thể với lộ trình rõ ràng.
Phục hồi chức năng cho người bệnh nằm liệt giường là điều không dễ dàng và đạt được hiệu quả trong một sớm một chiều. Với hệ thống máy móc trang thiết bị hiện đại, đáp ứng chuẩn Nhật Bản và Châu Âu, và đội ngũ bác sĩ, kỹ thuật viên có kinh nghiệm làm việc lâu năm trong ngành phục hồi chức năng, polaris tự tin có thể giúp người cao tuổi tăng lượng vận động cơ thể, cải thiện khả năng thực hiện các động tác. Nhờ đó, khách hàng được nâng cao thể lực, cắt đứt được vòng xoáy bệnh lý do không vận động lâu ngày.
Để từng bước phục hồi chức năng cho người cao tuổi bị liệt nằm một chỗ, hãy liên lạc với chúng tôi qua số hotline 0832 400 600 để được tư vấn và xếp lịch hẹn gặp bác sĩ sớm nhất.
—–
TRUNG TÂM VẬT LÝ TRỊ LIỆU VÀ PHỤC HỒI CHỨC NĂNG REMEDY R&C
☎ Hotline: 0832400600
🌐Website: https://remedy.com.vn
🏥 Address: Tầng 9, 154 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội
𝐂𝐨𝐩𝐲𝐫𝐢𝐠𝐡𝐭 © 𝐛𝐲 𝐑𝐞𝐦𝐞𝐝𝐲