Tuổi tác cùng gánh nặng bệnh tật tuy là điều không mong muốn nhưng là thực tế mà người cao tuổi phải đối diện hàng ngày. Vì vậy, việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi cần đặc biệt chú ý sao cho đúng cách và khoa học, tránh những sai lầm đáng tiếc, gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe người già.
Những sai lầm khi chăm sóc sức khỏe người cao tuổi
- Ăn càng nhiều chất bổ càng tốt
Nhiều gia đình quan niệm phải “tẩm bổ” cho ông bà, cha mẹ càng nhiều món ăn bổ dưỡng càng tốt. Thậm chí, khi người già từ chối không muốn ăn, còn bị con cái ép ăn với mong muốn cha mẹ khỏe mạnh. Trên thực tế, khái niệm “bổ dưỡng” trong nhiều món ăn thực chất lại chứa nhiều dầu mỡ hoặc chất đạm không tốt cho sức khỏe người cao tuổi. Nếu ăn nhiều và thường xuyên có thể gây mỡ máu, gan nhiễm mỡ, huyết áp cao, tim mạch, đột quỵ… ngoài ra, người cao tuổi không nên ăn nội tạng động vật như tim, gan, lòng, dạ dày…, không nạp quá nhiều đường, giảm bớt chất béo trong mỗi bữa ăn…
- Hạn chế vận động để tránh bị ngã
Người già có xu hướng chậm chạp dần theo năm tháng. Sức khỏe cũng yếu dần đi. Điều này khiến người thân trong gia đình lo lắng, ngăn cản không cho người già làm việc, hay vận động, đi lại. Họ cho rằng, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đồng nghĩa với việc để người già nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng, mọi việc để con cháu trong nhà lo hết.
Đây là một suy nghĩ sai lầm. Y học đã chứng minh cho thấy cơ thể càng không vận động thì càng đẩy nhanh quá trình lão hóa, đi kèm với đó là sự suy giảm chức năng của cơ thể. Vì vậy, hãy khuyến khích người già làm việc nhà nếu có đủ sức khỏe. Đi chợ, nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa, làm vườn, chơi với các cháu… hoặc tập thể dục nhẹ nhàng phù hợp với sức khỏe. Để người già tự chủ, độc lập trong cuộc sống và sinh hoạt thường ngày cũng là một trong bí quyết để sống khỏe, sống lâu.
- Không khám bệnh định kỳ
Nhiều người cao tuổi rất ngại đi khám sức khỏe định kỳ. Lý do là vì ngại phải tự đi một mình, vì sợ phát hiện ra bệnh, sợ phải uống thuốc… con cháu do bận công việc, không nắm được lịch khám bệnh định kỳ của cha mẹ nên không thúc giục hoặc cũng không muốn ép buộc người già làm điều họ không thích. Điều này rất nguy hiểm vì ở độ tuổi này, người cao tuổi thường mắc nhiều bệnh một lúc như: mỡ máu, tiểu đường, huyết áp, tim mạch, loãng xương… vì vậy, người thân trong gia đình cần duy trì lịch khám sức khỏe tổng quát cho người cao tuổi, trung bình khoảng 6 tháng/lần, để có biện pháp phòng ngừa và điều trị kịp thời nếu phát hiện ra bệnh.
- Lơ đãng việc chăm sóc sức khỏe tinh thần
Cuộc sống hiện đại khiến quỹ thời gian của các thành viên trong gia đình dành cho nhau ngày càng trở nên hạn hẹp. Con cái đi làm ăn xa, hoặc nếu không cũng bận rộn với cuộc sống hàng ngày, không mấy khi trò chuyện, tâm sự cùng cha mẹ. Nhiều người già cô đơn trong chính ngôi nhà của mình. Một số sống cùng bệnh tật, gặp những khó khăn như: rối loạn hệ vận động, rối loạn nghe nhìn, sa sút trí tuệ… điều này càng trở thành rào cản tinh thần lớn đối với họ. Vì vậy, bên cạnh các vấn đề về thể chất, để chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tốt hơn, người thân nên thường xuyên dành thời gian thăm hỏi, truyện trò với người cao tuổi. Đây là phương thuốc tinh thần tốt nhất giúp họ vui vẻ, yêu đời hơn.
Lưu ý khi chăm sóc sức khỏe người cao tuổi
- Chế độ dinh dưỡng
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, nhu cầu đạm ở người cao tuổi chỉ cần 60-70g/ngày, trong đó đạm động vật chiếm 30%. Khẩu phần ăn cần giảm thịt, tăng các thực phẩm giàu canxi như tôm, cua, cá, nên chọn các loại thực phẩm dễ tiêu hóa, bổ sung nhiều chất xơ từ rau, củ, quả nhằm cung cấp vitamin và khoáng chất, kích thích nhu động ruột, tránh táo bón. Ngoài ra, cần lưu ý uống từ 1,5-2l nước/ngày để đào thải chất cặn bã trong người. Khi cho ăn, đừng nên ép người già ăn nhiều, nên chia nhỏ bữa ăn và tạo cảm giác thoải mái để người già ăn ngon miệng hơn.
- Chế độ tập luyện
Người cao tuổi cần duy trì việc rèn luyện sức khỏe để đảm bảo cơ thể luôn được vận động. Nên lựa chọn một loại hình thể dục hoặc bộ môn thể thao nào đó phù hợp với thể trạng và sở thích cá nhân.
Trong các hình thức vận động, các bác sĩ ở Phòng khám Phục hồi chức năng Polaris cho biết, đi bộ là hình thức thông dụng, dễ thực hiện, ít tốn kém nhưng cũng rất hiệu quả. Đi bộ thường xuyên giúp người già hạn chế nguy cơ loãng xương, giảm thoái hóa khớp, tăng sức bền, đi lại dẻo dai, giảm cholesterol xấu, ổn định huyết áp… đi bộ cũng là hình thức rèn luyện được các bác sĩ ở polaris đề xuất dành cho các bệnh nhân cao tuổi đang gặp khó khăn về vận động sau đột quỵ. Mỗi ngày, người nhà động viên, hỗ trợ bệnh nhân đi bộ khoảng 30 phút sẽ giúp cải thiện tình trạng sức khỏe đáng kể, giúp người bệnh sớm tìm lại sự độc lập trong cuộc sống sinh hoạt.
- Đời sống tinh thần
Người thân nên khuyến khích và tạo điều kiện để người già tham gia các hoạt động xã hội như hội người cao tuổi, hội phụ nữ, câu lạc bộ dưỡng sinh, các đội nhóm văn nghệ địa phương… các hoạt động này giúp đời sống của người cao tuổi sau khi nghỉ hưu luôn được vui vẻ, thoải mái. Các sinh hoạt cộng đồng cũng giúp người cao tuổi kết nối và tạo dựng thêm các mối quan hệ xã hội, khiến đời sống tinh thần của họ thêm phong phú.
Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi không chỉ dừng ở việc đảm bảo cho các cụ có một cuộc sống vật chất đầy đủ. Người thân cũng nên thường xuyên gọi điện, đến chơi và nói chuyện với các cụ. Ở gần người cao tuổi, con cháu trong nhà cũng dễ nắm bắt được tâm tư, tình cảm và những dấu hiệu cảnh báo về sức khỏe. Từ đó, có kế hoạch chăm sóc, đưa đi khám sức khỏe định kỳ nhằm phát hiện sớm các bệnh nếu có để có biện pháp điều trị kịp thời.
Càng về già, sức khỏe và tâm tính người cao tuổi càng có nhiều thay đổi. Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi lúc này cần chú ý nhiều hơn. Nhiều điều chúng ta nghĩ là đúng, là nên làm nhưng lại không hề tốt cho sức khỏe của người cao tuổi. Nâng cao nhận thức, hiểu biết và thay đổi cách ứng xử với người cao tuổi sẽ góp phần giúp người cao tuổi có sức khỏe tốt hơn, kéo dài tuổi thọ và chất lượng cuộc sống.
—–
TRUNG TÂM VẬT LÝ TRỊ LIỆU VÀ PHỤC HỒI CHỨC NĂNG REMEDY R&C
☎ Hotline: 0832400600
🌐Website: https://remedy.com.vn
🏥 Address: Tầng 9, 154 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội
𝐂𝐨𝐩𝐲𝐫𝐢𝐠𝐡𝐭 © 𝐛𝐲 𝐑𝐞𝐦𝐞𝐝𝐲