Nguy cơ khó lường do thiếu vận động ở người cao tuổi

Theo tổ chức y tế thế giới (who), thiếu vận động là một trong bốn yếu tố nguy cơ hàng đầu gây tử vong trên toàn cầu. Vì vậy, người cao tuổi càng ít vận động, càng có nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tuổi thọ. Điều này trái ngược hoàn toàn với quan niệm của nhiều người cho rằng người già cần nghỉ ngơi tĩnh dưỡng khi bắt đầu nghỉ hưu.

 

Cơ bắp suy yếu

Mất cơ bắp do lão hóa là hệ quả tất yếu của quá trình lão hóa. Theo đó, các tế bào cơ càng ngày càng teo lại khi chúng ta về già. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, ở độ tuổi 50, trung bình mỗi năm, cơ bắp của con người sẽ tự động mất đi 1-2%. Ở tuổi 70, tỷ lệ mất cơ bắp là 25%. Con số này tăng lên 40% khi ngoài 80 tuổi.

Với thực tế này, nếu người cao tuổi không chịu vận động hoặc vận động rất ít thì hệ thống cơ bắp lại càng có điều kiện suy yếu nhanh chóng, kéo theo sức mạnh và khả năng chịu đựng của cơ bắp càng đi xuống. Cơ bắp suy yếu khiến người cao tuổi đi lại khó khăn, khả năng giữ thăng bằng kém. Điều này làm gia tăng nguy cơ chấn thương ở người cao tuổi và tác động tiêu cực đến nhiều mặt của cuộc sống. Ví dụ như ngã gãy xương…

Tăng cân, béo phì

Lười vận động là một trong những yếu tố gây tăng cân ở người cao tuổi. Cộng thêm chế độ ăn của người cao tuổi thường nhiều đạm, giàu chất dinh dưỡng nên lại càng dễ gây bệnh béo phì. Khi bị thừa cân, béo phì, cơ thể nặng nề, đi lại chậm chạp, người cao tuổi càng ngại vận động, di chuyển. Sức khỏe giảm sút, làm việc gì cũng dễ mệt. Người bị bệnh béo phì cũng dễ mắc một số bệnh như thoái hóa khớp, loãng xương, đau nhức cột sống, gout, mỡ máu, cholesterol cao, đái tháo đường, tim mạch, tăng huyết áp, thậm chí là đột quỵ, nhồi máu cơ tim…

Lười vận động là một trong những yếu tố gây tăng cân ở người cao tuổi.

Nguy cơ tim mạch

Người già không tích cực vận động, thì khả năng năng lượng dư thừa từ việc ăn uống sẽ chuyển hóa thành mỡ. Khi tình trạng cholesterol trong máu cao sẽ đóng mảng ở thành mạch máu, gây ra các biến chứng nguy hiểm, như: tuần hoàn máu kém, thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim, đột quỵ… hoạt động thể lực thường xuyên sẽ đem đến nhiều lợi ích cho cơ thể như giảm cân, hạ huyết áp và giảm căng thẳng, giúp tim và mạch máu tăng tính đàn hồi tốt hơn và dẻo dai hơn. Trong cuộc sống, người cao tuổi nên hạn chế stress, giúp ổn định nhịp tim và huyết áp.

Sức đề kháng kém

Một cơ thể không rèn luyện thể thao, yếu về cơ, xương, sức bền kém… sẽ không thể có sức đề kháng tốt. Lúc này, người cao tuổi đã đánh mất lớp áo giáp bảo vệ trước sự tấn công của các loại virus. Họ rất dễ mắc các bệnh như các bệnh cảm cúm, cúm a, hoặc mắc covid-19 và diễn biến bệnh thường nặng hơn.

Trong một nghiên cứu của các nhà khoa học anh và mỹ, sau khi phân tích dữ liệu y tế của 48.440 bệnh nhân nhiễm virus từ tháng 1-10/2020, họ phát hiện ra rằng những bệnh nhân covid-19 có lối sống ít vận động trong những năm trước đại dịch, có nguy cơ trở bệnh nặng, thậm chí tử vong cao hơn so với những bệnh nhân có thói quen thường xuyên duy trì tập một môn thể thao nào đó.

Táo bón

Nhiều người cao tuổi hay phàn nàn về chứng táo bón. Đây là một trong những triệu chứng rất phổ biến của bệnh lý hệ thống tiêu hóa. Táo bón có thể xảy ra ở mọi đối tượng nhưng ở người cao tuổi, tỷ lệ bệnh này bị nhiều hơn. Một trong những nguyên nhân gây táo bón ở người già là do ít vận động, đi lại. Tuổi già, các chứng bệnh đang mang trong người, tâm lý ngại ngần, lười vận động… khiến nhóm đối tượng này dễ lựa chọn lối sinh hoạt thụ động mà không biết rằng, không vận động, hoặc ít vận động có thể làm giảm mạnh quá trình trao đổi chất của cơ thể, ảnh hưởng đến việc sản xuất dịch nhầy, là chất lỏng cần thiết để bôi trơn hậu môn. Tập thể dục giúp điều hòa nhu động ruột, điều chỉnh hoạt động của ruột giúp thức ăn di chuyển trơn tru qua đường tiêu hóa, tránh bị táo bón.

Sa sút tinh thần

Nếu người cao tuổi chỉ ở trong nhà, không tham gia các hoạt động ngoài trời, không có các mối quan hệ cộng đồng, rất dễ rơi vào trạng thái chán nản, mệt mỏi mà không rõ lí do. Cuộc sống sẽ mất dần động lực và niềm vui. Lâu dài, tâm trạng này sẽ kéo sức khỏe thể chất đi xuống.

Kết luận

Tích cực vận động, tập thể dục thể thao có tác động tích cực đến sức khỏe tinh thần của người cao tuổi, có khả năng đẩy lùi các chứng bệnh như trầm cảm. Để duy trì chất lượng cuộc sống khỏe mạnh, người già cần tập thể dục thường xuyên, đều đặn. Các bài tập có thể đa đạng để tránh nhàm chán và cường độ vận động có thể ở các mức khác nhau.

Đối với sức khỏe người cao tuổi, vận động trở thành yếu tố quan trọng hàng đầu để duy trì sức khỏe thể chất và tinh thần. Không vận động hoặc vận động hạn chế sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các chức năng hoạt động của cơ thể. Về bản chất, cơ thể sinh ra để vận động, chứ không phải để nghỉ ngơi. Nếu để “cỗ máy” đó đứng yên hoặc ngồi không quá lâu, bệnh tật xảy ra là điều tất yếu. Vì vậy, càng cao tuổi, người già lại càng phải tuân thủ lịch trình tập luyện, vận động để hạn chế và làm chậm quá trình lão hóa của cơ thể.

—–

TRUNG TÂM VẬT LÝ TRỊ LIỆU VÀ PHỤC HỒI CHỨC NĂNG REMEDY R&C

☎ Hotline: 0832400600

🌐Website: https://remedy.com.vn

🏥 Address: Tầng 9, 154 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội

𝐂𝐨𝐩𝐲𝐫𝐢𝐠𝐡𝐭 © 𝐛𝐲 𝐑𝐞𝐦𝐞𝐝𝐲

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *